Đột Quỵ - Nguyên Nhân, Cách Phòng Tránh Và Điều Trị
Sức khỏe con người chúng ta vốn vô cùng quan trọng. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta làm việc căng thẳng hay ở những người già, người lớn tuổi thường mắc chứng bệnh đột quỵ và tai biến mạch máu não. Nếu chúng ta không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì chứng bệnh này để lại hậu quả khó lường và có thể nặng nề hơn là chúng ta bị liệt toàn thân và sống đời thực vật. Bởi vì, đột quỵ và tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi. Máu mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và sẽ chết đi trong vài phút. Hậu quả là các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ ngưng hoạt động, dẫn tới yếu liệt, tê mất cảm giác nửa người, không nói được hoặc hôn mê. Nguyên nhân gây thiếu máu nuôi não có thể là tắc hoặc vỡ mạch máu.
Có mấy loại đột quỵ? Tại sao đột quỵ?
- Nhồi máu não: Mạch máu não bị tắc làm não bị thiếu máu nuôi và hoại tử.
- Cơn thoáng thiếu máu não: tương tự trường hợp trên, nhưng mạch máu tự thông nên hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ.
Hai nguyên nhân chính làm tắc mạch máu:
+ Mạch máu hẹp dần lại rồi tắc: do mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch dày lên dần, làm hẹp lòng mạch.
+ Một cục máu đông trôi lên và kẹt lại gây tắc mạch máu: thường do tim bị bệnh loạn nhịp hoặc bệnh hẹp, hở van tim khiến máu ứ lại, đóng thành cục máu đông trong tim, sau đó trôi lên não làm nghẹt mạch máu não.
- Xuất huyết não: Mạch máu bị vỡ làm chảy máu, chèn ép não bộ.
- Xuất huyết khoang dưới nhện: Mạch máu bị phình rồi vỡ ra làm máu chảy vào khoang trống bao quanh não.
Ai dễ bị đột quỵ?
Những người dễ bị đột quỵ đó là những người lớn tuổi; người bị tăng huyết áp; người bệnh tiểu đường; xơ mỡ động mạch; tăng mỡ (cholesterol) trong máu; bệnh tim; hút thuốc lá, nghiện rượu; béo phì, ít vận động…
Làm gì khi người thân bị đột quỵ?
- Đỡ bệnh nhân để họ không bị té ngã, chấn thương.
- Cho bệnh nhân nằm nghiêng qua một bên. Nếu bệnh nhân nôn ói thì móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
- Đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
- Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển bệnh nhân đi bệnh viện xa, vì càng chuyển đi xa càng làm bệnh nặng hơn.
- Không để bệnh nhân nằm chờ xem có khỏe lại không.
- Không cạo gió, cắt lể, cúng vái…
Nguyên tắc điều trị đột quỵ
1. Xử lý cấp cứu càng nhanh càng tốt để ngăn chặn cơn đột quy. Việc cấp cứu sớm có ý nghĩa rất quan trọng, do trong vài giờ đầu mới xảy ra đột quỵ thường có nhiều biến chứng đe dọa tính mạng bệnh nhân nhưng có thể phòng ngừa hay điều trị được
2. An thần: tức là làm giảm hưng phấn các tế bào não, từ đó làm giảm lượng oxy tiêu thụ
3. Khai khiếu thông mạch: làm cho các mạch máu não thư giãn, giãn ra cục máu đông thoát đi được, có một số bệnh viện trên thế giới dùng biện pháp nong mạch hoặc giải phẫu
4. Hoạt huyết tiêu ứ: Dùng thuốc hoạt huyết tiêu ứ để tiêu trừ những huyết khối, những mảng xơ vữa trong cơ thể
Điều trị tăng huyết áp ra sao?
- Khi chưa bị tai biến mạch máu não, phải điều trị cao huyết áp tích cực và thường xuyên, liên tục suốt đời.
- Khi đã bị tai biến mạch máu não, việc dùng thuốc hạ huyết áp cần thận trọng.
- Khi tai biến mạch máu não mới vừa xảy ra, cơ thể phản ứng tăng huyết áp lên để cố gắng đưa máu về nuôi não; nếu dùng thuốc hạ huyết áp mạnh và nhanh quá sẽ làm thiếu máu não nặng hơn. (Do đó, bác sĩ chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp cao hơn 180/100nnHg
- Chỉ dùng các loại thuốc hạ huyết áp từ từ, không dùng thuốc nhỏ dưới lưỡi.
Người nhà luôn phối hợp với bác sĩ để chăm sóc bệnh nhân lúc ở bệnh viện
- Xoay trở, đổi tư thế nằm của bệnh nhân mỗi giờ để chống loét.
- Giúp bệnh nhân làm vệ sinh răng miệng mỗi ngày 2 - 3 lần.
- Cho ăn uống đúng theo hướng dẫn để tránh bị sặc, tránh ọc thức ăn: Cho ăn tư thế ngồi (nếu bác sĩ cho phép) hoặc nằm đầu cao 30độ; dùng muỗng đút từng phần nhỏ thức ăn, đợi bệnh nhân nhai nuốt được rồi mới cho ăn tiếp. Nếu ăn ống phải để điều dưỡng (y tá) thử ống, cho ăn, cho uống nước và thuốc.
- Xoa bóp các bắp cơ, vận động các khớp tay và chân cho bệnh nhân để máu lưu thông và tránh cứng khớp, teo cơ. Tập vận động để giúp hồi phục nhanh.
Làm gì sau khi xuất viện?
- Uống thuốc theo toa.
- Tái khám đúng hẹn để được điều trị liên tục và điều chỉnh thuốc phù hợp với bệnh nhân lúc đó. Thảo luận với bác sĩ điều trị lúc xuất viện để chọn nơi tái khám tốt và thuận tiện nhất.
- Tập vận động tại nhà hoặc tại phòng tập vật lý trị liệu.
- Cố gắng cho bênh nhân tự làm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày với sự trợ giúp của người nhà để có thể hồi phục sớm và sống độc lập. Có thể sửa đổi một số vật dụng để bệnh nhân dễ sử dụng hơn. Không nên làm thay hoàn toàn cho bệnh nhân.
- Cho bệnh nhân ăn uống theo đúng chế độ được hướng dẫn (ví dụ ăn lạt, cữ mỡ với người tăng huyết áp; cữ đường, giảm bột với người bệnh tiểu đường).
- Động viên, khuyến khích bệnh nhân tập luyện.
- Theo dõi và điều trị liên tục suốt đời đối với tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch…
- Tránh sai lầm thường mắc là tự ý ngưng điều trị khi thấy trong người khỏe khoắn và cho là đã hết bệnh.