Thuốc Chữa Bệnh Tiểu Đường Phải Chăng Vô Hại?
Với người bệnh tiểu đường (TĐ), tùy theo thể trạng, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc hoặc kết hợp thuốc thích hợp. Tuy nhiên, những lo lắng của bệnh nhân và gia đình thường là có quá nhiều thuốc khác nhau, thuốc có tác dụng phụ không, nhất là thuốc được uống lâu dài. Sau đây là một số thông tin cơ bản về các nhóm thuốc Tây y trong điều trị tiểu đường hiện nay:
Phân loại thuốc điều trị TĐ
- Thuốc làm tăng nhạy cảm insulin: Cơ chế tác dụng của thuốc là làm tăng nhạy cảm với hormon insulin tại cơ quan đích, tăng sử dụng glucose ở tổ chức ngoại vi, đặc biệt ở tế bào cơ, giảm tạo glucose ở gan, giảm hấp thu glucose ở ruột, gồm các thuốc: metformin, siofor, glucophage... Thuốc được uống sau ăn.
- Thuốc gây tăng tiết insulin: Cơ chế tác dụng: kích thích tế bào bêta của tụy tăng tiết insulin với điều kiện tế bào bêta còn lành. Thuốc uống trước ăn 20 - 30 phút, bao gồm các thuốc: sulphonylurea (glibenclamide; glipizide; gliclazide; glimepiride); glinide (netiglinide; repaglinide).
- Thuốc làm chậm hấp thu đường glucose/chất béo từ ruột: Cơ chế làm chậm hấp thu đường ở ruột non, thuốc này được hướng dẫn uống ngay trong bữa ăn bao gồm: acarbose, voglibose.
- Insulin: insulin các loại (tác dụng nhanh, ngắn, trung bình, chậm, trộn sẵn).
Tác dụng phụ của thuốc tiểu đường là gì?
Hạ đường huyết: Tất cả thuốc điều trị TĐ đều làm giảm đường máu. Một số thuốc khi được dùng không thích hợp, ví dụ như: liều quá cao hoặc bệnh nhân bỏ bữa ăn, có thể gây ra trạng thái hạ đường huyết quá mức - nghĩa là đường máu xuống thấp hơn mức bình thường. Nếu không kịp thời điều chỉnh đường máu tăng trở lại (ăn uống thêm chất bột đường), hạ đường huyết nặng có thể dẫn đến mất ý thức và hôn mê. Để tránh bị hạ đường huyết cần lưu ý đến việc tăng liều thuốc từ từ, phân bổ bữa ăn sao cho phù hợp với lượng thuốc đang dùng, tránh ăn kiêng thái quá hoặc luyện tập quá sức...
Dị ứng thuốc: Một trong những tác dụng phụ cần nói đến là dị ứng thuốc. Việc dùng thuốc không đúng cách rất dễ gây dị ứng, có khi chỉ là các triệu chứng nhẹ như mày đay, viêm, đỏ da, mà cũng có thể nghiêm trọng như sốc phản vệ, dẫn đến tử vong. Phản ứng dị ứng sẽ quay trở lại nếu như tiếp tục dùng thuốc đó. Do vậy, cần đổi thuốc và không nên tiếc mà sử dụng lại thuốc dưới bất kỳ dạng nào.
Đầy bụng, tiêu chảy: ví dụ: metformin - glucophage.
Nhận thức rất rõ về những tác dụng phụ của thuốc tiểu đường như hạ đường huyết, giảm chức năng gan, thận. dị ứng thuốc, đầy bụng, tiêu chảy… nhưng vấn đề cơ bản là bệnh nhân tiểu đường không thể bỏ thuốc mà phải dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Vậy làm thế nào để giảm được tác dụng phụ mà tăng hiệu quả điều trị, liệu có xu hướng nào đang là đích nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay, mời các bạn đón đọc phần tiếp theo: Phần III: “Những phương thuốc chữa bệnh tiểu đường của Y học cổ truyền”