Những Câu Chuyện Đau Lòng Về Bệnh Nhân Đột Quỵ

Ngày đăng: 15-02-2014 08:10:50

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, mỗi năm có 200.000 người mắc mới và gần 100.000 người tử vong vì đột quỵ (tai biến mạch máu não). Những người được may mắn cứu sống thường để lại di chứng nặng nề như: Liệt một bên hoặc toàn thân, rối loạn ngôn ngữ, thị giác, nhận thức.

Làm sao để chăm sóc và phục hồi chức năng cho người sau đột quỵ là việc không dễ nếu thiếu kiên trì…

Đột quỵ khi mới 14 tuổi

Chỉ mới 14 tuổi, T.D.M - trú tại Đà Lạt - đang khoẻ mạnh bỗng đau đầu, buồn nôn và rơi vào hôn mê. Gia đình đưa đến cấp cứu tại bệnh viện địa phương và sau đó chuyển thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy, thàh phố Hồ Chí Minh. Các bác sĩ cho biết, M bị tai biến mạch máu não. Sau khi được cứu sống, M nằm liệt một chỗ và phải tập vật lý trị liệu. Suốt hai năm trời, cả hai vợ chồng phải nghỉ làm để đưa đón con đi tập vật lý trị liệu mỗi ngày. Toàn bộ của cải trong nhà dần đội nón ra đi. Gia đình chỉ hy vọng con mình có thể vận động được và tự lo cho bản thân để mọi người có thể đi làm trả nợ…

Bệnh viện Nhân dân 115 cũng vừa tiếp nhận ba trường hợp bị đột quỵ ở độ tuổi dưới 30, trong đó anh Nguyễn Minh T - 20 tuổi, nhập viện trong tình trạng không cử động chân tay, liệt nửa người bên phải. Qua chẩn đoán, các bác sĩ nhận định anh bị nhồi máu não bán cầu phải. Mẹ của T cho biết, trong lúc đi vệ sinh, bỗng dưng thấy anh ngã quỵ xuống nên vội vàng đưa đi cấp cứu… Chị Lê Thị M - 25 tuổi, ở Thủ Đức - sức khỏe bình thường, nhưng sau một đêm ngủ dậy, bỗng dưng thấy hoa mắt, nửa người bên trái không cử động được… Nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội kèm theo nôn ói, sau đó rơi vào hôn mê, bệnh nhi Nguyễn Hoàng C - 12 tuổi, ngụ ở Tân Uyên, Bình Dương - được các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố hồ Chí Minh xác định nhồi máu não dẫn đến đột quỵ sau khi tiến hành làm các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Những trường hợp đột quỵ trẻ tuổi như C cách đây 10 năm rất hiếm gặp nhưng theo các bác sĩ, hiện nay người ở lứa tuổi 20 - 30 mắc bệnh này thường xuyên vào viện.

Đối tượng bị đột quỵ nhiều nhất là người trên 70 tuổi. Tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, 115, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi… số bệnh nhân lớn tuổi bị tai biến nhập viện hầu như có mỗi ngày. Do phát hiện trễ nên phần lớn các ca sau khi được cứu sống đều bị di chứng nặng nề.

Suốt ba năm nay, ông M.T.P - 73 tuổi, mỗi tuần ba buổi phải đều đặn ngồi xe lăn để những người trong gia đình thay phiên nhau đưa đến tập vật lý trị liệu. Trước đó, ông đang khỏe mạnh, sau khi đi tập thể dục về đã lên cơn đột quỵ và ngã trong nhà tắm. Từ một người khỏe mạnh, ông bị liệt nửa người và không nhận ra người thân trong gia đình. Cả 2 người con và 3 người cháu phải thay phiên nhau chăm sóc ông nhưng vẫn không hết việc. Gia đình phải chia ca ra để “trực chiến” với ông suốt ngày. Thậm chí, 2 người con phải xin nghỉ việc để lo cho ông.

1/3 người bị đột quỵ sẽ bị tái lại trong vòng 5 năm

Bác sĩ Trần Chí Cường - Khoa DSA Bệnh viện ĐH Y Dược thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, rất nhiều bệnh nhân sống sót sau đột quỵ cũng rất khó trong sinh hoạt; nhiều người bị liệt toàn thân phải sống dựa vào người thân, trong khi mình là trụ cột chính trong nhà. Theo bác sĩ Cường, ngoài tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội, căn bệnh tai biến mạch máu não có tỉ lệ tử vong cao đứng thứ 3 sau ung thư và tim mạch hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 45 giây toàn thế giới có 1 người bị đột quỵ và 3 phút có 1 ca chết do bệnh này. Trong khi đó, cứ 10 người bị tai biến mạch máu não thì có 3 tử vong.

Thực tế đã có nhiều trường hợp đột quỵ được đưa vào cấp cứu, dù bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng cơ hội sống rất mong manh. Theo các chuyên gia y tế, khoảng 1/3 trường hợp đột quỵ sẽ bị trở lại trong vòng 5 năm, trong khi khoảng 30% người sống sót qua đột quỵ phải cần người chăm sóc và 50% không thể làm bất cứ việc gì sau khi ngã bệnh.

Nhiều bác sĩ chuyên về bệnh lý mạch máu não đã từng khẳng định: Họ chỉ là người cứu sống bệnh nhân tức thời, tuy nhiên, chính sự chăm sóc của người thân sau tai biến mới là quan trọng nhất. Một người đang khỏe mạnh, sau cơn đột quỵ đã biến đổi thành người khác hoàn toàn, thậm chí sống thực vật. Vì thế khi gia đình có người mắc đột quỵ được cứu sống mà bị di chứng thì phải xác định di chứng không thể hết trong thời gian ngắn mà có thể kéo dài và thậm chí không thể phục hồi. Chính vì điều này, những người thân phải lên kế hoạch và chấp nhận sự thật sống chung lâu dài với người bị di chứng. Nếu không, hậu quả là người nuôi không đủ kiên nhẫn để chăm sóc người bệnh khi tiền bạc, thời gian, sức lực cạn dần và những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Những câu chuyện đắng lòng

Tại Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, nhiều câu chuyện đắng lòng được các nhân viên y tế ở đây kể lại khi chứng kiến tình nghĩa người nuôi bệnh dần vơi đi vì quá vất vả khi chăm sóc người bị đột quỵ. Thậm chí, bệnh nhân còn bị bỏ rơi cho bệnh viện chăm sóc.

Anh A quê ở Bình Dương, bị đột quỵ và đưa vào tập vật lý trị liệu để tránh cơ bị co cứng. Người vợ mới cưới chỉ chăm sóc cho chồng đúng 3 ngày rồi bỏ đi biệt tích.

Một trường hợp khác, hai vợ chồng cưới nhau được 10 năm và có hai người con. Người vợ không may bị đột quỵ và liệt nửa người. Người chồng chăm sóc cho vợ được hơn một năm và sau đó bỏ đi biệt tích để lại ba mẹ con bơ vơ. Mỗi ngày hai đứa con đưa mẹ đến tập vật lý trị liệu và phải xin cơm từ thiện để ăn qua bữa.

Chính vì căn bệnh để lại hậu quả quá nặng nề nên đã gây áp lực lớn cho người chăm sóc, thậm chí “stress” nặng nên không điều khiển được hành vi và đã có những hành động không thể chấp nhận được. Chẳng hạn, mới đây đã xảy ra một vụ việc gây chấn động dư luận khi người chồng chở vợ bị đột quỵ nhiều năm trên đường đi tập vật lý trị liệu đã ném vợ xuống sông.

“Việc người bệnh sau đột quỵ bị sỉ vả, mắng nhiếc, để đói là chuyện xảy ra như cơm bữa tại Bệnh viện chúng tôi. Chính vì hậu quả quá nặng nề và chẳng biết liệu có hồi phục được hay không nên nhiều người nuôi bệnh coi người bệnh là “cục nợ” và đã có hành động khiếm nhã. Nên nhớ rằng, nhiều bệnh nhân sau thời gian tập vật lý trị liệu với sự chăm sóc chu đáo của gia đình đã phục hồi và tự chăm sóc bản thân được. Nuôi người bị di chứng đột quỵ không chỉ cần có đủ tiền bạc, sức khỏe mà phải kiên trì, trách nhiệm, tình thương mới hy vọng người bệnh mau chóng hồi phục” - một điều dưỡng viên của Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết.

Như vậy, tót nhất là chúng ta nên phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não để tránh xảy ra đột quỵ, để lại di chứng nặng nề như đã nói ở trên.

Nguồn: