Trẻ Em Có Bị Bệnh Xuất Huyết Não Không?

Ngày đăng: 15-02-2014 08:24:52

Xuất huyết não là bệnh lý rất nguy hiểm đến tính mạng của con người, nhất là đối với người già và trẻ em. Xuất huyết não màng não sớm xảy ra ở trẻ dưới 15 ngày tuổi. Nguy cơ mắc bệnh càng cao nếu càng non tháng. Tần suất: 20 - 40% ở trẻ nhẹ cân, cân nặng dưới 1500g, 50% xảy ra vào ngày đầu, 90% xảy ra trước ngày thứ tư sau sinh.

Nguyên nhân gây bệnh xuất huyết não ở trẻ

Ở tuổi này có liên quan chặt chẽ với tiền sử dinh dưỡng, tiền sử sản khoa của mẹ, đặc điểm sinh lý, bệnh lý của trẻ nhỏ, như:

- Sang chấn sản khoa, can thiệp bằng dụng cụ lấy thai, đẻ quá nhanh, chuyển dạ kéo dài, ngạt;

- Do cung cấp và hấp thu thiếu Vitamine K, gây giảm Prothrombin.

- Do dùng các chất chống đông máu;

- Do nhiễm khuẩn nặng ở trẻ em, do viêm gan sớm, do tắc mạch;

- Do rối loạn quá trình cầm máu, giảm số lượng, chất lượng tiểu cầu, giảm fbrin bẩm sinh hoặc mắc phải, thiết hụt các yếu tố đông máu trong phức hợp prothrombin;

- Do dị dạng mạch máu, phình mạch;

- Do chấn thương;

- Ngoài ra còn phải kể đến tiến trình sinh lý vỡ hồng cầu ở trẻ nhỏ;

Biểu hiện của bệnh lý

- Bệnh xảy ra đột ngột, trẻ tự nhiên khóc thét, hoặc tự nhiên bỏ bú, nôn, trớ, da xanh tái, co giật, hoặc hôn mê, tím tái.

- Biểu hiện về thần kinh: Trẻ ngơ ngác, rên khẽ, rối loạn nhịp thở, co giật, hoặc hôn mê. Liệt, lác mắt, sụp mi, giật nhãn cầu.

- Đặc biệt thóp trước căng phồng, khớp sọ dãn, cổ mềm.

- Kèm theo biểu hiện thiếu máu: Da xanh, niêm mạc mắt nhợt; Định lượng huyết sắc tố có khi chỉ 5 đến 6g/100 ml máu; đôi khi có xuất huyết dưới da, mảng bầm tím, đám tụ máu, chảy máu cam, nôn hoặc ỉa ra máu, chỗ tiêm trích bầm tím;

- Nước não tủy màu hồng, để không đông; nếu lấy muộn có màu vàng; xét nghiệm có hồng cầu, thực bào hemoxiderrin;

- Thời gian đông máu kéo dài, tỷ lệ prothrombin giảm;

- Biểu hiện suy hô hấp hoặc ngừng thở.

Phương pháp phòng bệnh

- Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1 1 mg, hoặc vitamin K3 2 mg.

- Cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 2 mg, 3 lần, lần một sau khi sinh, lần hai lúc 7 ngày tuổi và lần ba lúc 1 tháng tuổi.

- Cách tốt nhất là dùng phương pháp tiêm một lần cho trẻ ngay sau sinh (tiêm cho tất cả trẻ ngay sau sinh không kể trẻ đó đủ tháng hay thiếu tháng, trẻ khỏe hay yếu). Hiệu quả của sử dụng vitamin K1 và K3 là như nhau. Do vậy, để vừa ít chi phí vừa hiệu quả nên sử dụng một liều 2 mg vitamin K3.

Hiện nay hầu hết các nước đã có Chương trình dự phòng XHN,MN TE cho trẻ nhỏ bằng tiêm một liều 1 mg vitamin K1 cho trẻ mới sinh đã mang lại hiệu quả rất tốt, tỷ lệ XHN,MN ở trẻ nhỏ đã giảm xuống chỉ còn 0,25/100.000 trẻ mới sinh.

Ở Việt Nam, tỷ lệ XHN,MN ở trẻ nhỏ còn rất cao, bệnh nặng, tử vong cao, di chứng nặng nề, hy vọng các nữ hộ sinh và các bà mẹ trẻ quan tâm cho trẻ sơ sinh được tiêm hoặc uống vitamin K.

Trong thời gian mang thai tháng cuối và thời kỳ cho con bú các bà mẹ không nên ăn kiêng, phải tăng cường dinh dưỡng và bổ sung vitamine K bằng đưỡng uống hoặc tiêm Vitamine K theo chỉ dẫn các bác sĩ.

Vì sao trẻ nhỏ lại thiếu vitamin K?

Thời kỳ bào thai: một phần vitamin K được cung cấp do chuyển từ mẹ sang thai nhi qua rau thai, lượng này rất nhỏ, thấp hơn nhu cầu sinh lý.

Thời kỳ bú mẹ: phần chính vitamin K mà trẻ nhỏ nhận được qua sữa mẹ. Nhưng lượng vitamin K trong sữa mẹ thấp hơn sữa bò, sữa bột nhân tạo. Lượng vitamin K trong sữa mẹ thay đổi từ 20-30 microgam/lít, trong khi ở sữa bột nhân tạo trên 50 microgam/lít.

Sữa của người mẹ không được ăn bồi dưỡng trong những tháng cuối của thời kỳ thai, ở những người mẹ ăn kiêng khem sau sinh như kiêng ăn mỡ, dầu, lượng vitamin K trong sữa mẹ càng ít.

Vitamin K cung cấp qua thức ăn, được vi khuẩn đường ruột tổng hợp và hấp thu vào cơ thể. Ở trẻ nhỏ sau sinh, lúc một tháng tuổi, vi khuẩn có khả năng tổng hợp vitamin K ở ruột chưa đủ, do đó trẻ nhỏ càng dễ bị thiếu vitamin K, dễ bị XHN,MN hơn trẻ lớn. Những trẻ nhỏ phải dùng kháng sinh sớm, bị rối loạn tiêu hóa cũng làm cho nguồn vitamin K tổng hợp ở ruột ít.

Trẻ sơ sinh con những bà mẹ có dùng các thuốc như rifamycin, isoniazid, bacbiturat hoặc bị nhiễm dioxin trong thời kỳ mang thai cũng dễ bị xuất huyết hơn con của các bà mẹ không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.

Nguồn: