Phương Pháp Phòng Tránh Đột Quỵ

Ngày đăng: 12-02-2014 09:37:08

Đột quỵ là sự ngưng trệ đột ngột dòng máu cung cấp cho não. Phần lớn đột quỵ là do đột ngột tắc động mạch nuôi não. Đột quỵ là nguyên nhân đứng hàng thứ ba dẫn đến tử vong sau bệnh tim mạch và ung thư.

Dưới đây là những bước đơn giản giúp phòng ngừa đột quỵ.

Cần giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch :

  Phát hiện cao áp huyết sớm và chữa cao áp huyết tốt, nhất là ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình cao áp huyết và bệnh tim mạch.

Điều trị rối loạn nhịp tim.

  • Giảm cholesterol trong máu, ăn ít chất béo, giảm muối, ăn nhiều rau và hoa quả

  • Phát hiện và điều trị tiểu đường.

  • Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu.

  • Không dùng các chất kích thích hoặc ma túy.

  • Thường xuyên vận động và tập luyện.

Ngoài ra cần chú ý:

  • Tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa, đặc biệt với người cao huyết áp.

  • Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh. Tránh mất ngủ

  • Tránh táo bón, đặc biệt với người già.

  • Tránh vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chơi thể thao quá sức.

Phòng chống đột quỵ ở phụ nữ tuổi trung niên

Đi bộ 20 phút mỗi ngày.

Dù công việc bận đến đâu, chỉ cần dành 20 phút đi bộ (ngay cả khi chia thành 2 lần 10 phút) cũng quý. Giá trị của nó ở chỗ: Đi bộ tổng cộng 2 giờ một tuần có thể cắt giảm nguy cơ đột quỵ tới 30%, theo một nghiên cứu gần 40.000 phụ nữ Mỹ, được thực hiện trong khoảng thời gian 12 năm. Nếu đi bộ cường độ cao (tức vừa đi vừa có thể nói chuyện nhưng không hát được), cơ hội còn có thể giảm gần 40%.

Phân biệt buồn và trầm cảm.

Một nghiên cứu mới với 80.000 phụ nữ chỉ ra rằng trầm cảm làm tăng khả năng bị đột quỵ tới 29%. Tại sao? Phụ nữ bị trầm cảm có xu hướng hút thuốc, tăng cân và ít tập thể dục hơn, cộng thêm họ dễ gặp các vấn đề y tế không kiểm soát được như huyết áp cao và bệnh tiểu đường – các bệnh liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ.

Trong khi đó, các dấu hiệu của trầm cảm là một thời gian dài rơi vào các cảm giác buồn, lo sợ, “trống rỗng”, vô vọng, tội lỗi, cáu kỉnh, mệt mỏi, hết quan tâm đến những điều từng thích, không thể tập trung, mất ngủ, ăn quá nhiều hoặc mất cảm giác ngon miệng, có ý nghĩ tự tử, bị đau nhức kéo dài ngay cả khi đã điều trị…

Ngủ độ 7 tiếng mỗi đêm.

Li bì hơn 10 tiếng một đêm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 63% so với kéo dài giấc ngủ khoảng 7 tiếng, các nhà khoa học Đại học Harvard cho biết như vậy. Và nếu ai đó gây tiếng ồn khi ngủ – tức chứng ngáy ngủ, nghiên cứu trên cũng chỉ ra người đó có khả năng phát triển hội chứng trao đổi chất, một trong các điều kiện làm tăng nguy cơ đột quỵ, cũng như bệnh tim và bệnh tiểu đường.

Thận trọng với bệnh đau nửa đầu.

Những phụ nữ hay bị đau nửa đầu, đặc biệt đi kèm với hiện tượng thấy lóe lên những điểm sáng thường liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn. Nguyên nhân đau nửa đầu mà phụ nữ mắc phải nhiều hơn nam giới là do thay đổi nội tiết tố và thuốc men. Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng cho thấy điều trị chứng đau nửa đầu có nghĩa là sẽ không xảy ra tai biến mạch máu não, các chuyên gia đồng ý nên cố gắng giảm chứng bệnh này bằng cách kiểm soát căng thẳng.

Chú ý đến đánh trống ngực, đặc biệt là nếu tim bị kích động cùng với triệu chứng khó thở, chóng mặt, đau ngực, đó là các dấu hiệu của rung tâm nhĩ -dạng nhịp tim bất thường làm tăng nguy cơ đột quỵ đến 5 lần. Hơn 2 triệu người Mỹ hiện sống cùng với chứng rung tâm nhĩ này, khi dùng thuốc chống cục nghẽn có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Ăn khoai lang, nho khô, chuối và nước xốt cà chua.

Không cần phải dùng tất cả các loại thực phẩm trên cùng một lúc nhưng mỗi loại đều chứa kali và một chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng này có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ 20%. Kali còn tìm thấy trong cá, gia cầm và các sản phẩm làm từ sữa.

Chăm sóc tại nhà

- Sinh hoạt, tập luyện.

- Trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân chưa tự vận động được, người nhà phải giúp thay đổi tư thế 3 giờ một lần để tránh loét. Mỗi lần lật người, cần xoa rượu, cồn hoặc phấn rôm vào lưng, mông và các vị trí bị tì đè khác. Khi cho ăn uống, nên kê gối sau lưng bệnh nhân giữ ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi để tránh bị sặc vào đường thở.

- Đối với trường hợp nhẹ hơn, tùy mức độ di chứng liệt, cần đề ra một kế hoạch cụ thể cho bệnh nhân tập luyện hàng ngày. Cố gắng để bệnh nhân tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm được. Quá trình tập luyện đòi hỏi sự kiên trì của cả bệnh nhân và người hướng dẫn. Nên duy trì việc này cả khi các di chứng đã được phục hồi.

Chế độ ăn

- Cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất và cân đối. Nên dùng dạng thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, sữa, nước hoa quả tươi. Kiêng sử dụng các chất béo và chất kích thích (rượu, bia, chè đặc, cà phê), hạn chế dùng muối.

Theo 3tpharma.com.vn

Nguồn: